Bộ trưởng Trần Hồng Hà Phát biểu khai mạc hội nghị
Tham dự Hội thảo có đại diện các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, đại sứ quán, chuyên gia quốc tế và Việt Nam, các doanh nghiệp, tổ chức và hiệp hội có liên quan. Hội thảo là một phần trong chuỗi hoạt động tham vấn giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đối tác có liên quan nhằm giải quyết những thách thức trong quản lý rác thải nhựa, cũng như các giải pháp tiềm năng nhằm giải quyết hiệu quả vấn nạn ô nhiễm nhựa, xây dựng một Kế hoạch hành động quốc gia theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045; đồng thời thực hiện sáng kiến và cam kết của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị G7 2018 diễn ra tại Canada tháng 6 vừa qua cũng như thúc đẩy việc phối hợp, góp phần thực hiện Hiến chương về Nhựa đại dương và sứ mệnh tiên phong toàn cầu của Canada trong giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, biển và đại dương chiếm 2/3 diện tích của Trái Đất, trên 90% không gian sinh tồn của các loài sinh vật trên hành tinh. Biển và đại dương có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia có biển. Tuy nhiên, hiện nay biển và đại dương đang phải đối mặt với nhiều thách thức rất nghiêm trọng, đe doạ đến sức khoẻ của biển và đại dương, qua đó đe doạ sự sinh tồn của các loài trên Trái Đất, trong đó có loài người chúng ta. Hiện nay, thách thức nghiêm trọng và điển hình nhất là ô nhiễm rác thải, mà chủ yếu là rác thải nhựa, từ các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra trên đất liền và trên biển.
Cũng trong thời gian vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ thông qua tìm kiếm các đối tác phù hợp, trong đó có các cơ quan của Canada khẩn trương xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.
Để chào mừng hội thảo, bà Deborah Paul, Đại sứ Canada tại Việt Nam cho biết rất vui mừng nhận thấy sự tham gia đông đảo của các đại biểu không chỉ đến từ các cơ quan chính phủ mà còn từ khối doanh nghiệp và xã hội dân sự, bao gồm thanh niên và phụ nữ, để thảo luận các sáng kiến, đổi mới nhằm tận dụng nhựa trong nền kinh tế nhưng loại bỏ nhựa ra khỏi đại dương. Ô nhiễm nhựa đang hủy hoại các đại dương, ao hồ, và sông ngòi của chúng ta. Mỗi chúng ta đều cần có trách nhiệm chống ô nhiễm nhựa. Canada tự hào được hành động cùng Việt Nam và hỗ trợ Việt Nam xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương.
TS. Nguyễn Lê Tuấn trình bày về hiện trạng rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam
Các chuyên gia trong nước và quốc tế tham dự hội thảo.
Tại các phiên thảo luận buổi sáng, đại diện các bên liên quan đã tập trung trình bày về hiện trạng rác thải nhựa đại dương, tình hình nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam cũng như các vấn đề cơ chế, chính sách có liên quan.
Bên lề hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Lê Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, đại diện ban tổ chức đã cho biết quan điểm về vấn đề quản lý rác thải nhựa đại dương: “Chúng ta phải có biện pháp đồng bộ. Ngay cả thói quen tiêu dùng cũng phải thay đổi để sử dụng ít đồ nhựa hơn và ngay ở trong sản xuất thì phải thay đổi công nghệ để rác thải nhựa dễ phân hủy. Muốn giảm thải rác nhựa trên biển thì phải giảm thải rác nhựa ở trên đất liền. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phải ban hành một kế hoạch giảm thiểu rác thải nhựa đại dương. Kế hoạch này phải rất khả thi, mang tính hành động hành động cụ thể có các mục tiêu phải đo đếm được và các giải pháp phải có hiệu quả. Chúng tôi dự kiến năm 2019 sẽ trình chính phủ”.
TS. Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và GS. TS. Phạm Hùng Việt, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên trao đổi về vấn đề nghiên cứu rác thải nhựa đại dương bên lề hội thảo.
TS. Nguyễn Lê Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo thay mặt ban tổ chức trả lời báo chí bên lề hội thảo.
Chiều cùng ngày, các đại biểu tham dự hội thảo đã tập trung thảo luận nhóm với 4 nhóm thảo luận bao gồm: Khung pháp lý, thể chế; Tài chính và Giải pháp công nghệ; Dữ liệu và Nghiên cứu khoa học; Truyền thông và sự tham gia của phụ nữ, cộng đồng.
Phiên thảo luận nhóm với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước.
Viện Nghiên cứu biển và hải đảo.